Tỉnh Bình Thuận sản xuất lúa tập trung tại một số huyện trọng điểm như: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh và Đức Linh. Trong những năm qua diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đạt bình quân khoảng 110.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 5,5 đến 5,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 660.000 tấn/năm. Phần lớn diện tích của tỉnh sử dụng các giống lúa như: ML48; ML202.. chiếm tỷ lệ 65% diện tích. Các giống lúa mang tên OM chỉ chiếm 31% diện tích như: OM 4900; OM 7347; OM 5451; OM 6976… Mặc dù có diện tích sản xuất lúa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực cho toàn tỉnh, nhưng hiện nay công tác giống lúa trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chủng loại. Cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng giống lúa còn yếu, chỉ đáp ứng khoảng 33% nhu cầu giống lúa để phục vụ sản xuất trong tỉnh nói chung và khoảng 25% diện tích sản xuất lúa của huyện Tánh Linh nói riêng.
Nhằm khắc phục công tác cung cấp giống lúa cũng như thay đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng nhu cầu cho toàn tỉnh, ngày 14 tháng 8 năm 2015 tại huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận diễn ra Hội nghị “Triển vọng sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị được tổ chức bởi Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Tánh Linh phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận; ông Lưu Đức Minh - Phó chủ tích UBND huyện Tánh Linh; ông Nguyễn Hồng Sơn - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL. Đến dự Hội nghị còn có Nông dân, chủ nhiệm hợp tác xã, Trạm khuyến nông, trung tâm giống, chi cục BVTV, hội nông dân của các huyện và một số doanh nghiệp sản xuất cung ứng giống lúa, thu mua và chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Tại Hội nghị, các báo cáo tham luận của các Phòng ban thuộc Sở NN&PTNT như: Phòng trồng trọt, Trung tâm Khuyến Nông; các hợp tác xã; Trạm khuyến nông, Phòng nông nghiệp của các huyện; các doanh nghiệp trong nông nghiệp được trình bày. Cũng tại Hội nghị này, Viện lúa ĐBSCL đã đề xuất một số giống lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên của Bình Thuận. Bên cạnh các báo cáo tham luận, các ý kiến của đại biểu đã tập trung làm rõ và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển giống lúa và lúa thương phẩm chất lượng cao cho tỉnh Bình Thuận như: xác định cơ cấu giống lúa chủ lực cho tỉnh hàng năm, phát triển giống lúa của Viện lúa ĐBSCL cho khu vực Đông nam bộ và Bình Thuận; tăng cường công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn nông dân và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong tỉnh…
Hội nghị đã kết thúc thành công vào lúc 12 giờ ngày 14/8/2015