Danh tiếng các giống lúa OM đã vượt xa phạm vi địa lý vựa lúa ĐBSCL, được nông dân miền Nam, Tây nguyên và cả nước lựa chọn gieo trồng.
Vượt ngàn vạn dặm theo chân các chuyên gia trồng lúa sang Lào, Campuchia, Brunei đến các nước châu Phi, Mỹ Latinh…, lúa OM minh chứng khả năng thích nghi, sức sống mãnh liệt, góp phần làm rạng danh Việt Nam, quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.
Từ chiếc nôi nghiên cứu chọn tạo bộ giống lúa kỳ diệu này - hơn 40 năm qua các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL đã biết cách chọn ra con đường ngắn nhất, thời gian ngắn nhất để đạt thành tựu hôm nay.
Cột mốc vàng
Vào những ngày tháng 5 lịch sử, các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL thường có những cuộc gặp gỡ, họp mặt “ôn cố tri tân” những kỷ niệm một thời không thể nào quên. TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Những công lao, thành quả từ những công trình nghiên cứu khoa học của Viện đóng góp vào thành tựu chung với hàng triệu nông dân cả nước phát triển ngành hàng lúa gạo đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận đánh giá rất cao.
Nghiên cứu lai tạo giống lúa OM của Viện lúa ĐBSCL. Ảnh: NVT.
“Một thế hệ vàng” các nhà khoa học được khơi nguồn từ những cán bộ nông nghiệp thời kỳ đầu từ miền Bắc chi viện cùng các nhà khoa học trẻ phía Nam lần lượt tiếp bước, với ngọn lửa nhiệt thành say mê nghiên cứu cây lúa.
Lớp cán bộ kỳ cựu buổi đầu của Viện hồi tưởng: Sau năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất. Nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề, nông thôn nghèo nàn, lạc hậu và hầu như phải xây dựng lại từ đầu. Một đất nước độc lập, tự chủ nhưng câu hỏi lớn nhất vào lúc đó là làm thế nào tự túc lương thực để đủ lúa gạo cho người dân?
Đi tìm về miền đất mới vùng đồng bằng tươi trẻ, miền Tây Nam bộ đất đai màu mỡ, ruộng lúa phì nhiêu với gần 2 triệu ha đất trồng lúa.
Tuy nhiên trong thời chiến tranh ruộng vườn còn bỏ hoang rất nhiều, phần lớn diện tích đất lúa canh tác một vụ chủ yếu với các giống lúa mùa địa phương cho năng suất rất thấp. Một số giống lúa mới ngắn ngày du nhập về từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI trước năm 1975, nông dân trong vùng quen gọi là lúa Thần Nông… chưa trồng được bao nhiêu.
Trong hoàn cảnh đó, với tầm nhìn xa xuất phát từ sáng kiến của Viện sỹ Lương Định Của, nhà nông học nổi tiếng của nước ta: Vùng ĐBSCL nên có một Viện nghiên cứu lúa gạo xứng tầm với vị trí của Việt Nam trên thế giới.
GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, nhớ lại: Những năm đầu tiên vô cùng gian khó, có thể nói rằng bắt đầu từ con số 0. Sau ngày lịch sử 30/4/1975, Viện sỹ Lương Định Của đã lặn lội đến Nông trường Cờ Đỏ để tìm hiểu nơi sẽ xây dựng Viện. Sau khi ông mất vào tháng 12/1975, các học trò của ông đã tiếp tục công việc này.
Trên ruộng đất mới phù sa bồi đắp, có điều kiện tự nhiên tiếp giáp sông, rạch thông thương, sau này hình thành mạng lưới thủy lợi kênh mương ngang dọc, tưới tiêu cho hệ thống ruộng lúa thực nghiệm giống lúa mới cho cả vùng. Như vậy ngay từ buổi đầu cho thấy, mục tiêu thành lập của Viện Lúa ĐBSCL là xây dựng một cơ sở nghiên cứu lúa gạo xứng tầm với vị trí của Việt Nam trên thế giới để khai thác lợi thế của ĐBSCL là vựa lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và tham gia xuất khẩu.
Những người tiên phong thời ấy chân trần lội ruộng, khảo sát tại Thơm Rơm (Thốt Nốt), Nông trường Quyết Thắng (hiện nay là nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ) và Trại giống của tỉnh Hậu Giang (nay thuộc TP Cần Thơ).
Sau cùng, vị trí Viện Lúa định vị tại ấp Thới Hòa C, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (cũ), nay là xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, để khởi công xây dựng.
Định hình bước đi
Viện Lúa ĐBSCL là tên gọi chính thức từ năm 1985, được thành lập ngày 8/1/1977 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ngô Thúc Đồng, với tên gọi là Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL (1977 - 1985). Từ năm 2010 đến nay Viện Lúa ĐBSCL là thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Cách TP Cần Thơ hơn 20km, con đường rẽ từ quốc lộ 91 vào Viện yên bình, cây xanh nối dài bóng mát. Trên diện tích phần đất được giao 360ha là cánh đồng ruộng vùng trũng sâu, sình lầy, còn cơ sở vật chất - kỹ thuật trong những ngày đầu hầu như chưa có gì.
Đến năm 1984 trụ sở trung tâm cơ quan nghiên cứu của Viện là tòa nhà được thiết kế hình chữ U hai tầng (một trệt một lầu) được xây dựng hoàn thành, bao gồm các gian phòng phân khu chức năng hành chính và cấu trúc chính của hai dãy nhà song lập dành cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm chọn tạo giống.
Song, tiềm lực lớn lao của Viện xây dựng và định hình bền vững đến ngày nay chính là hình thành một khuôn viên rộng với 5.000m2 nhà lưới và hơn 40ha ruộng thực nghiệm được thiết kế đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cho việc chọn tạo giống lúa. Hàng năm, từ Viện chọn ra 20 - 30 dòng lúa triển vọng, đủ năng lực chọn tạo giống lúa mới theo yêu cầu cho cả vùng ĐBSCL.
Nông dân tham quan giống lúa mới OM tại ruộng thực nghiệm VL ĐBSCL. Ảnh: Hưng Phú.
Theo TS Trần Ngọc Thạch, trong giai đoạn đầu (1977 - 1982) nhiệm vụ trọng tâm là tập trung công tác xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ, nhưng đồng thời cũng tiến hành công tác nghiên cứu khoa học dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Ấn Độ. Giai đoạn này du nhập giống từ IRRI (chương trình INGER và IRTP) và Ấn Độ, Thái Lan để khảo nghiệm trên diện rộng; giống 724 (Trần Như Nguyện) được khu vực hóa. Giai đoạn này giống IR36 và TN73-2 là giống chủ lực của ĐBSCL, cùng với khoảng 600 giống lúa mùa địa phương đang canh tác trên vùng lúa nước sâu, lúa nổi.
Tập đoàn giống lúa trong Ngân hàng Gen được kế thừa từ Trung tâm Long Định và công tác thu thập thời ấy được 2.000 mẫu giống. Rất tiếc, Viện không có phương tiện kho lạnh và năm 1978, trận lũ lịch sử đã làm thất thoát hơn 50% mẫu giống này.
Điều may mắn là Viện đã kịp thời hợp tác với Gene Bank của IRRI, gửi sang 1.600 mẫu giống lưu trữ tại đây. Đặc biệt giống lúa Dé An Cựu (hoặc Lúa Dé), giống lúa thơm quí hiếm, dùng để tiến Vua ngày xưa, vẫn còn được bảo quản, với mã số đăng ký của Ngân hàng Gen là IRIS 70-35611 (Lúa Dé), nguồn thu thập tại tỉnh Quảng Trị. Kết quả kiểm tra năm 2015, các mẫu giống lúa nổi ở ĐBSCL có khả năng vươn lóng 10 - 15 cm/ngày vẫn còn được bảo quản tốt.
Nguồn vật liệu lúa địa phương được đánh giá kiểu hình, được tư liệu hóa với 2.200 mẫu giống cùng với hàng trăm mẫu giống lúa hoang. Đây là cơ sở phục vụ lai tạo giống sau này.
Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL (1977 - 1985) là tiền thân Viện Lúa ĐBSCL ngày nay. Thời kỳ mới thành lập, Trung tâm trực thuộc Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (CLT và CTP) do ông Hồ Đắc Song, Viện trưởng Viện CLT và CTP, kiêm Giám đốc Trung tâm. Thời gian không lâu sau đó, ông Trần Như Nguyện được chính thức bổ nhiệm làm Giám đốc.
Đến tháng 6/1977, 5 cán bộ khoa học trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 4 là Bùi Bá Bổng, Bùi Chí Bửu, Dương Văn Chín, Lương Minh Châu và Trần Văn Thạnh, được tuyển thẳng vào Trung tâm, cùng với Phạm Sỹ Tân từ Viện CLT và CTP chuyển vào; dưới sự giúp đỡ về kỹ thuật của ông Nguyễn Thanh Trung, họ đã thực sự là trụ cột của những năm đầu tiên trong lịch sử phát triển của Viện.