Bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) ngày càng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Vấn đề này trở nên cấp thiết hơn đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Bởi nếu BHGCT được thực thi hiệu quả sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu các giống mới có đặc tính tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Cập nhật xu thế
Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng văn phòng Văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Việt Nam là nước nông nghiệp nên ngành giống nói chung và giống cây trồng nói riêng có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, đất đai tài nguyên lại có hạn thì việc cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng thông qua công tác giống là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ”.
Tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, vấn đề BHGCT được nhiều địa phương quan tâm. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Công tác quản lý giống cây trồng được thành phố quan tâm thực hiện thông qua thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng (cây ăn trái, rau màu, lúa giống) làm đúng theo quy định của pháp luật. Ngành nông nghiệp thành phố liên tục cập nhật thông tin về các giống cây trồng nhập khẩu từ các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng. Đồng thời, kiểm tra mỗi tháng 1 lần các kho chứa và cây trồng thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật trên địa bàn. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề BHGCT hiện đang là xu thế tại nhiều quốc gia. Bởi nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ, một quốc gia có thể mất quyền sở hữu hợp pháp đối với giống cây vốn xuất phát từ nước mình. Mặt khác, các mặt hàng nông sản không đăng ký bảo hộ thường gặp bất lợi về giá cũng như giảm sức cạnh tranh trên thị trường, chưa kể đến khả năng bị nhân giống một cách bất hợp pháp.
Bà Trần Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: “Để tạo ra một giống cây trồng mới nhà khoa học phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, việc sử dụng giống cây trồng (lúa, bắp, cây ăn trái…) dễ dàng sao chép bằng nhiều phương thức khác nhau. Vì vậy, hệ thống bảo hộ tác quyền giống cây trồng được đánh giá có nhiều ưu điểm trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người tạo ra sản phẩm”. Theo Viện Lúa ĐBSCL, từ năm 2006 đến nay, Viện thực hiện bảo hộ 25 giống lúa mang thương hiệu OM. Lợi nhuận từ hoạt động này tạo động lực phát huy sáng tạo trong nghiên cứu; đảm bảo cho người tạo giống cây trồng có thể khai thác lợi nhuận và tái đầu tư cho các hoạt động sáng tạo của mình.
Thương mại hóa tài sản trí tuệ
Vấn đề BHGCT tại nước ta bắt đầu được quan tâm từ năm 1995. Nhưng đến năm 2000, Nhà nước mới bắt đầu xây dựng khung pháp lý về BHGCT. Đến năm 2006 trở thành thành viên thứ 63 của Hiệp hội quốc tế về BHGCT mới (UPOV). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện BHGCT có hiệu quả thông qua sự hợp tác với các quốc gia thành viên có kinh nghiệm. Năm 2007, lần đầu tiên nước ta cấp bằng BHGCT. Hiện cả nước có 107 loại cây trồng được bảo hộ.Nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay trong BHGCT là vấn đề thương mại hóa tài sản trí tuệ từ các giống cây trồng mới chưa được quan tâm. Bởi các công trình nghiên cứu về giống cây trồng thường sử dụng ngân sách Nhà nước với mục tiêu làm ra các giống tốt phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân là chính. Do vậy, việc độc quyền khai thác giá trị thương mại hầu như không được tính đến. Hiện nay, nhiều cán bộ nghiên cứu chưa nhận thức cao về BHGCT trồng trong khi doanh nghiệp không mặn mà đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Về phía người nông dân do tập quán canh tác, họ ít ý thức được các hành vi vi phạm đối với bản quyền giống cây trồng. Mặt khác, việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ còn phức tạp, tốn nhiều thời gian nên hầu hết chủ sở hữu ngán ngại và dẫn đến hệ lụy là việc khai thác sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế.
Từ những bất cập nói trên, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ về BHGCT để nâng cao hiệu quả BHGCT tại Việt Nam. Theo bà Trần Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Lúa ĐBSCL, hiện Viện Lúa ĐBSCL đang triển khai bảo hộ tác quyền cho các giống lúa chọn tạo có tiềm năng phát triển trên cả hai lĩnh vực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, một số giống vẫn chưa được công nhận chính thức làm ảnh hưởng đến việc bảo hộ tác quyền và chuyển nhượng bản quyền. Do đó, Viện kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh công tác công nhận giống đối với những giống đang được trồng rộng rãi và có đối tác yêu cầu chuyển nhượng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số ý kiến đề xuất các bộ ngành hữu quan nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác quản lý giống cây trồng trên tất cả các loại cây trồng thuộc danh mục được phép sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nâng cao năng lực và quy mô phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống được chỉ định.
Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đề xuất ban hành Quy định mức sai số định lượng khi phân tích các chỉ tiêu chất lượng như độ ẩm, độ nảy mầm… so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa giống cây trồng. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ viện, trường nghiên cứu giống mới, chất lượng phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương… Có thể thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công tác nhiên cứu, chọn tạo giống cây trồng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, tạo nên sự hợp tác quốc tế trong BHGCT và hình thành nên một hệ thống BHGCT hiệu quả. Đặc biệt, đối với người nông dân Việt Nam, đây là cơ hội tiếp cận các giống cây trồng mới, chất lượng tốt để nông sản Việt Nam khẳng định chất lượng ngay từ gốc.
Vấn đề BHGCT tại nước ta bắt đầu được quan tâm từ năm 1995.
Nhưng đến năm 2000, Nhà nước mới bắt đầu xây dựng khung pháp lý về BHGCT.
Đến năm 2006 trở thành thành viên thứ 63 của Hiệp hội quốc tế về BHGCT mới (UPOV).
Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện BHGCT có hiệu quả thông qua sự hợp tác với các quốc gia thành viên có kinh nghiệm.
Năm 2007,lần đầu tiên nước ta cấp bằng BHGCT. Hiện cả nước có 107 loại cây trồng được bảo hộ.