Theo kết quả điều tra của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung ương, hiện nay, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước có 5 giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL đóng góp. Trong 10 giống chủ lực được trồng phổ biến nhất tại ĐBSCL có 8 giống do Viện chọn tạo và chiếm trên 77% diện tích gieo trồng của vùng. Trong giai đoạn từ năm 2003-2017, Viện Lúa đã phối hợp với TP Cần Thơ để triển khai 19 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống lúa năng suất chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa, giống lúa đạt phẩm chất xuất khẩu và phù hợp với các vùng sinh thái của Cần Thơ; nghiên cứu, chuyển giao quy trình canh tác lúa và một số loại cây trồng cạn trên nền đất lúa… Trong giai đoạn tới, Viện Lúa ĐBSCL xác định sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm như: nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng gạo và phù hợp với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các gói kỹ thuật canh tác lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL. Đặc biệt, Viện Lúa mong muốn phối hợp với thành phố xây dựng các khu vực chuyên sản xuất giống lúa để cung ứng cho vùng ĐBSCL.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung khẳng định: Trong thời gian tới, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc với Viện Lúa để xác định diện tích, vị trí đất cụ thể có đủ điều kiện chuyển đổi sang sản xuất giống lúa; thảo luận phương thức hợp tác phù hợp để xây dựng vùng chuyên sản xuất giống lúa ổn định và lâu dài theo yêu cầu của Viện Lúa. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề xuất đặt hàng Viện Lúa triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị của thành phố và chuyển giao kết quả nghiên cứu để thành phố đi vào triển khai, thực hiện.