Ngày 14 tháng 2 năm 2017, Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long đã tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa Vụ Đông - Xuân năm 2016-2017.
Đây là hoạt động thường niên của Viện nhằm đánh giá kết quả khảo nghiệm các giống lúa triển vọng của Viện. Hội thảo đã thu hút gần 400 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Trung tâm Giống, cán bộ bảo vệ thực vật các tỉnh Cần Thơ, Tiền giang, Hậu Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống Quốc gia, Tập đoàn Lộc trời, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố,… và nhiều nông dân tiên tiến say mê chọn tạo giống của các tỉnh.
Sau gần 2 giờ đánh giá 25 giống lúa triển vọng ngoài đồng, các đại biểu tham dự đã được nghe các báo cáo về: Báo cáo đặc tính các giống lúa trình diễn, Báo cáo kết quả khảo nghiệm sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu 2016, Kết quả công nhận giống, bảo hộ giống và chuyển giao quyền sử dụng giống lúa của Viện lúa ĐBSCL.
Theo kết quả bình chọn giống lúa tại ruộng, ban tổ chức công bố 05 giống được đại biểu đánh giá cao theo thứ tự như sau:
1. Giồng lúa OM9582 có tỷ lệ phiếu bầu 52%
- Nguồn gốc: Tổ hợp lai OM6976/OM5166 (Bộ môn CNSH, Viện Lúa ĐBSCL).
- Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng:Lúa cấy: 100-105 ngày; Lúa sạ: 95-100 ngày
- Chiều cao cây: 100-110 cm; Khả năng đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, lá đòng thẳng đứng, cứng cây: cấp độ 1 ; Số bông/m2: 350-400 bông; Số hạt chắc/bông: 120 -150 hạt; Khối lượng 1.000 hạt: 25-26 g.
- Năng suất : Đông Xuân: 7,0-9,0 tấn/ha; Hè Thu: 5,0-7,0 tấn/ha.
- Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo lức: 78-79%; Gạo trắng: 67-69%; Gạo nguyên: 40-45%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 5-7 %; Chiều dài hạt gạo: 6,8-6,9 mm; Tỷ lệ D/R: 3,0; Độ bền gel: 55-60 mm;
- Hàm lượng amylose: 24-25%. Hạt gạo khá đẹp, thon dài, trắng, sọc lưng
- Tính chống chịu: Nhiễm với đạo ôn (cấp 6), hơi nhiễm với rầy nâu (cấp 4).
- Tính thích nghi: Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL.
2. Giồng lúa OM8959 có tỷ lệ phiếu bầu 40%
- Nguồn gốc: Tổ hợp lai OM1723/OM5451 (Bộ môn Di truyền-Giống, Viện Lúa ĐBSCL).
- Thời gian sinh trưởng: Lúa cấy: 95-100 ngày; Lúa sạ: 90-95 ngày
- Năng suất : Đông Xuân: 7-9 tấn/ha; Hè Thu: 4-6 tấn/ha
- Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo lức: 78-80%; Gạo trắng: 68-70%; Gạo nguyên: 48-52%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 2-3 %; Chiều dài hạt gạo: 7,0-7,1 mm; Tỷ lệ D/R: 3,0; Độ trở hồ: cấp 3;
- Độ bền gel: 77-80 mm; Hàm lượng amylose: 21-22%. Hạt gạo đẹp, thon dài ít bạc bụng, cơm dẻo, ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Tính chống chịu: Hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 5), hơi kháng với rầy nâu (cấp 3), khả năng chịu mặn 3-4‰.
- Tính thích nghi: Khả năng thích nghi rộng, canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL.
3. Giồng lúa OM344 có tỷ lệ phiếu bầu 35%
- Nguồn gốc: Tổ hợp lai CK2003/OM2008 (Bộ môn Di truyền-Giống, Viện Lúa ĐBSCL).
- Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng: +Lúa cấy:100-105 ngày ; Lúa sạ: 95-100 ngày
- Chiều cao cây: 100-110 cm, độ cứng cây: cấp 3; Số bông/m2: 300-340 bông; Số hạt chắc/bông: 80-120 hạt; Khối lượng 1.000 hạt: 26-27 g.
- Năng suất : Đông Xuân: 6,0-8,0 tấn/ha ;Hè Thu: 4,5-6,5 tấn/ha.
- Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo lức: 78-81%; Gạo trắng: 68-71%; Gạo nguyên: 50-55%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 1-2 %; Chiều dài hạt gạo: 6,9-7,0 mm; Tỷ lệ D/R: 3,2; Độ trở hồ: cấp 2; Độ bền gel: 95-100 mm; Hàm lượng amylose: 15-16%. Hạt gạo trong, thon dài, cơm trắng, mềm và dẻo.
- Tính chống chịu: Nhiễm với rầy nâu (cấp 6) và đạo ôn (cấp 6)
- Tính thích nghi: Thích hợp cho cả vụ Hè Thu và Đông Xuân ở các tỉnh ĐBSCL
4. Giồng lúa OM3673 có tỷ lệ phiếu bầu 34%
- Nguồn gốc: Tổ hợp lai IR65418/OM6976 (Bộ môn Di truyền-Giống, Viện Lúa ĐBSCL).
- Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng: Lúa cấy: 100-105 ngày; Lúa sạ: 95-100 ngày; Chiều cao cây: 95-105 cm; Đẻ nhánh khá; dạng hình đẹp, cứng cây; Số bông/m2: 320-380 bông; Số hạt chắc/bông: 70 -100 hạt; Khối lượng 1.000 hạt: 26-27 g.
- Năng suất : Đông Xuân: 7-9 tấn/ha; Hè Thu: 5-6 tấn/ha.
- Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo lức: 78-80%; Gạo trắng: 68-69%; Gạo nguyên: 40-42%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 1-3 %; Chiều dài hạt gạo: 7,1-7,2 mm; Tỷ lệ D/R: 3,3; Độ trở hồ: cấp 2; Độ bền gel: 75-80 mm; Hàm lượng amylose: 24-26%. Mặt gạo trung bình, thon dài, ít bạc bụng, cơm mềm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Tính chống chịu: Hơi nhiễm với rầy nâu (cấp 5) và hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 4)
- Tính thích nghi: Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL.
5. Giồng lúa OM9577 có tỷ lệ phiếu bầu 27%
- Nguồn gốc: Tổ hợp lai OM6976/OM5472 (Bộ môn CNSH, Viện Lúa ĐBSCL).
- Đặc tính nông học: Thời gian sinh trưởng: 102-107 ngày; Chiều cao cây: 97-102 cm; Khả năng đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp, bông to, chùm, cứng cây: cấp độ 1; Số bông/m2: 300-330 bông; Số hạt chắc/bông: 100 -130 hạt; Khối lượng 1.000 hạt: 28-29 g.
- Năng suất : Đông Xuân: 7,0-8,0 tấn/ha; Hè Thu: 5,0-6,0 tấn/ha.
- Phẩm chất hạt: Tỷ lệ gạo lức: 77-78%; Gạo trắng: 67-68%; Gạo nguyên: 46-48%. Tỷ lệ bạc bụng (cấp 9): 3-5 %; Chiều dài hạt gạo: 7,1-7,2 mm; Tỷ lệ D/R: 3,3; Độ bền gel: 55-60 mm; Hàm lượng amylose: 23-24%. Hạt gạo trong thon dài, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Tính chống chịu: Hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 5), hơi nhiễm với rầy nâu (cấp 4), chịu mặn với nồng độ muối 3-4‰.
- Tính thích nghi: Khả năng thích nghi rộng, từ vùng phù sa đến vùng nhiễm phèn, mặn.