Lúa gạo được xem là loại cây trồng và mùa vụ chính quan trọng nhất ở Việt Nam. Sự hình thành và phát triển sản xuất lúa gạo ở nước ta có lịch sử truyền thống lâu đời và có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Việt Nam có khoảng 9,3 triệu ha đất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất dành cho trồng lúa là chính khoảng 4,3 triệu ha (chiếm khoảng 46% diện tích đất nông nghiệp).
Năm 2009 diện tích canh tác lúa có khoảng 7,44 triệu ha, năm 2011 tăng lên 0,21 triệu ha (7,65 triệu ha). Theo số liệu tạm tính đến tháng 11/2012 cả nước đã gieo trồng được 7 triệu ha lúa. Năng suất lúa bình quân 4,2 tấn/ha vào năm 2000 đã tăng lên 5,3 tấn/ha vào năm 2010. Năm 2012 theo số liệu ước tính năng suất có thể đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 5,6 tấn/ha.
Từ năm 1990 đến nay, sản lượng lúa gạo Việt Nam liên tục tăng trưởng nhờ biện pháp kỹ thuật canh tác tốt, tăng năng suất và một phần nhờ mở rộng diện tích canh tác hàng năm. Sản lượng lúa ở nước ta chỉ dừng lại ở 19,23 triệu tấn (năm 1990) nhưng đến năm 2000 đã đạt được 32,51 triệu tấn. Năng suất và diện tích canh tác tăng không ngường đã giúp Việt Nam lần đầu tiên đạt sản lượng ở mức cao nhất từ trước tới nay là 42,31 triệu tấn vào năm 2011. Theo tính toán tạm thời đến tháng 11 năm 2012 nước ta đã thu hoạch được 39,20 triệu tấn và rất có thể sản lượng lúa năm 2012 sẽ cao hơn 2011 bởi vì hiện nay ĐBSCL vừa mới gieo sạ xong cho vụ ĐX 2012 và 2013.
Từ năm 1989, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Sản lượng lúa gạo Việt Nam đã với tới 32,9 triệu tấn suốt từ năm 2000 đến 2002 và lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam đạt 6,05 triệu tấn gạo xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu đó không những được duy trì mà còn tăng liên tiếp trong năm 2010 (6,75 triệu tấn) và năm 2011 (7,10 triệu tấn). Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,50 triệu tấn vào năm 2012 (theo ước tính). Điều này hoàn toàn có thể bởi vì tính đến thời điểm tháng 11/2012 nước ta đã xuất được 7,26 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cung cấp lương thực cho 120 nước trên toàn thế giới.
Trong rất nhiều năm xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam luôn luôn đứng vị trí thứ 2 thế giới sau Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu. Thành công trong xuất khẩu gạo đã đem về cho đất nước hàng tỷ USD, bên cạnh đó còn có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Việt Nam đã và đang chuyển dần từ việc mở rộng diện tích canh tác sang sản xuất lúa theo hướng tăng chất lượng như: xuất khẩu loại gạo có chất lượng cũng như có giá trị cao. Xu hướng này đang được hưởng ứng và ngày càng tăng lên nhanh chóng về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Lượng gạo xuất khẩu 1,46 triệu tấn vào năm 1990 đã tăng lên 2,05 triệu tấn vào năm 1995. Sau 10 năm (2005) lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 5,20 triệu tấn và đã mang về cho đất nước 1,3 tỷ USD. Và lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới vào năm 2011 với sản lượng xuất khẩu 7,1 triệu tấn đã đem về cho đất nước 3,51 tỷ USD. Đây là một kết quả cao nhất của Việt Nam trong nỗ lực đẩy mạnh cả ba mặt (số lượng, chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu) kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của thế giới.
So với năm 2000, lượng gạo xuất khẩu năm 2005 đã tăng 1,81 triệu tấn (34,81%), giá trị xuất khẩu gần tăng gấp hai lần (51,86%). Năm 2005 là năm thứ 17 Việt nam liên tiếp xuất khẩu gạo và là năm thứ 3 chúng ta đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên chúng ta không ngừng lại mà sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta ngày càng nhiều và mang lại ngoại tệ và giá trị ngày càng cao trong những năm tiếp theo. Năm 2012 có thế chúng ta sẽ đạt một mốc mới trong xuất khẩu gạo (khoảng 7,5 triệu tấn) và cũng là năm thứ 2 liên tiếp ngành sản xuất lúa gạo đem lại hơn 3 tỷ USD về cho đất nước nhờ xuất khẩu gạo.
Khác với các nước khác trong khu vực, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo của Việt Nam nói riêng đã phát triển một cách vượt bậc, ổn định và nhanh chóng. Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đã giúp cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của nông dân. Bên cạnh đó đã nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam và thúc đẩy ngành nông nghiệp của nước nhà ngày càng phát triển. Với kết quả trên, Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao của các tổ chức quốc tế và khách hàng nhập khẩu gạo của chúng ta.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Báo cáo kết quả thực hiện ngành Nông nghiệp và PTNT từ tháng 1 đến tháng 11/2012
2. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) http:/www.vietfood.org.vn/vn
3. Tổng cục thống kê, Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2000
4. Tổng cục thống kê, Số liệu thống kê từ năm 2000 đến năm 2010
TS. Đoàn Mạnh Tường